Giai đoạn 2015-2016, Miza mở rộng dây chuyền tái chế giấy thải để sản xuất giấy bao bì, bao gói chất lượng cao, công suất từ 25.000 tấn/năm nâng lên 32.500 tấn/năm. Đến năm 2017, Công ty đầu tư thêm dây chuyền, nâng tổng công suất nhà máy lên 40.000 tấn/năm.
Miza hiện đang đầu tư vào Dự án Nhà máy sản xuất giấy bao bì Miza Nghi Sơn giai đoạn 2, xây dựng dây chuyền sản xuất giấy bao bì số 2 tại Công ty TNHH Miza Nghi Sơn với công suất 120.000 tấn/năm, giúp nâng tổng công suất dây chuyền sản xuất giấy lên 240.000 tấn/năm.
Trải qua nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ hiện tại của Miza ở mức gần 1.000 tỷ đồng. Công ty đang có kế hoạch phát hành thêm gần 6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 6%. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Sau phát hành, vốn điều lệ của công ty sẽ nâng lên gần 1.060 tỷ đồng.
Những năm gần đây, Miza đều đặn thu về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu từ bán giấy, bao bì các loại. Năm 2023, Miza ghi nhận doanh thu thuần hơn 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 62,4 tỷ đồng, vượt 8% mục tiêu lợi nhuận đề ra của năm.
Năm 2024, Miza lên kế hoạch doanh thu thuần hơn 3.390 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt mức hơn 63,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 2% so với thực hiện năm ngoái.
Trong quý 3/2024, Miza ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.090 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 20,5 tỷ đồng, khả quan hơn nhiề so với số lỗ 3,4 tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Miza ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.121 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 45,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 29% so với cùng kỳ 2023. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện 92% kế hoạch doanh thu và 71% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Thời điểm 30/9, tổng tài sản của Miza ở mức hơn 4.300 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm, chủ yếu là tài sản cố định (1.637 tỷ) và các khoản phải thu ngắn hạn (1.157 tỷ). Nợ vay tài chính chiếm đến gần 57% tổng nguồn vốn với số dư cuối kỳ lên đến gần 2.450 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Nguồn: cafef.vn